Tịch Tà Kiếm Pháp Võ thuật trong tiểu thuyết Kim Dung

Tịch Tà Kiếm Pháp (辟邪劍譜) là bí kíp kiếm thuật thượng thặng trong truyện Tiếu ngạo giang hồ. Tịch tà kiếm pháp có cùng nguồn gốc với Quỳ Hoa Bảo Điển, và là nguồn gốc của những tranh chấp trên giang hồ vào thời đại của câu chuyện Tiếu ngạo giang hồ. Tịch tà kiếm pháp là nguyên nhân trực tiếp của việc Dư Thương Hải (chưởng môn phái Thanh Thành) tàn sát cả dòng họ Lâm (mà hậu duệ duy nhất sống sót là Lâm Bình Chi).

Xuất xứ của Tịch tà kiếm pháp đến từ Quỳ Hoa bảo điển, mà chính từ những bí kíp này dẫn đến việc chia rẽ phái Hoa Sơn thành hai phái là Khí tông (trọng khí công) và Kiếm tông (trọng về kiếm chiêu). Bí kíp này truyền đến Nam Thiếu Lâm, rồi lại được hai nhân vật của Hoa Sơn là Nguyên Mẫn Túc (ông tổ phe Khí tông) và Chu Tử Phong (ông tổ phe Kiếm tông) học lén. Khi họ trở lại Hoa Sơn, Nam Thiếu Lâm đã phái Độ Nguyên thiền sư đến khuyên hai người không nên học bí kíp này. Khi Độ Nguyên đến Hoa Sơn, cả ba đã cùng nhau đọc và vô tình lại bị hấp dẫn bởi bộ sách này, dẫn đến việc Độ Nguyên xin ra khỏi Nam Thiếu Lâm, hoàn tục lấy vợ.

Sau khi Độ Nguyên hoàn tục đã lấy tục danh cũ là Lâm Viễn Đồ, lập ra Phúc Oai tiêu cục, đồng thời tiến hành tập luyện các bí kíp mà mình đã học được từ bộ sách Quỳ Hoa ở Hoa Sơn. Ông chỉ phát triển các kỹ năng kiếm pháp và phát triển thành Tịch tà kiếm pháp có 72 đường kiếm, và trở thành một trong những kiếm thủ xuất chúng. Một trong những đối thủ bị Lâm Viễn Đồ đánh bại là Trương Thanh Tử, chưởng môn phái Thanh Thành, người được xem là một trong những cao thủ đệ nhất khi đó. Từ đó, Tịch tà kiếm phổ nổi danh giang hồ khiến nhiều nhân vật giang hồ thèm khát, và chính là nguồn gốc của những tranh đoạt sau này. Hậu duệ của Lâm Viễn Đồ là gia đình Lâm Chấn Nam là những người trực tiếp chịu họa từ những tranh chấp này với việc toàn thể tiêu cục bị sát hại bởi Dư Thương Hải.

Theo lời của Lâm Bình Chi, yếu quyết đầu tiên của Tịch tà kiếm pháp là "Võ lâm xưng hùng, dẫn đao tự cung" có nghĩa là muốn luyện Tịch tà kiếm pháp thì đầu tiên phải tự thiến đi bộ phận sinh dục của mình. Bởi vì nếu không thiến, khi luyện nội công Tịch tà kiếm pháp, lửa dục sẽ thiêu đốt ruột gan thành "tẩu hỏa nhập ma" mà chết. Hai người trực tiếp luyện Tịch tà kiếm pháp là Lâm Bình ChiNhạc Bất Quần đều đã tự cung và trở thành những kẻ ái nam ái nữ. Trong quá khứ, Lâm Viễn Đồ biết điều này nên đã lập gia đình, có vợ con rồi mới luyện tập để không triệt đi nòi giống của mình. Cuối đời, hiểu tác hại của Tịch tà kiếm pháp, Lâm Viễn Đồ đã giấu chiếc áo cà sa có chép Tịch tà kiếm phổ và để lại di ngôn nhắc nhở con cháu nhất quyết không được mở ra xem. Lời di chúc này dù Lâm Bình Chi biết (nhờ cha mẹ anh ta truyền qua Lệnh Hồ Xung) nhưng vì để trả thù cho cả nhà, Lâm Bình Chi vẫn quyết ý luyện.

Giang hồ cho rằng khi luyện Tịch tà kiếm pháp họ sẽ thành kiếm thủ vô địch, bất khả chiến bại. Nhưng trên thực tế, cả hai người luyện Tịch tà kiếm pháp thành thục là Lâm Bình ChiNhạc Bất Quần đều bị Lệnh Hồ Xung dùng Độc cô cửu kiếm đánh bại bằng việc tìm ra sơ hở của quá trình biến chiêu thức.